DANH MỤC SẢN PHẨM

HỔ TRỢ TRỰC TUYẾN

Trương Dũng

0908.463.573

Lệ Hằng

0336 447 009

Sống ở làng lụt

( 21-10-2021 - 10:07 AM ) - Lượt xem: 219

  Sống ở làng lụt

HÀ NỘI Trưa 18/10, trời Bùi Xá vẫn mưa như trút, sau buổi chợ bà Nguyễn Thị Thanh và con dâu gửi xe ở giữa làng, xỏ ủng lội về nhà cách hơn 500 m.

Càng về cuối làng nước ngập càng sâu, qua đầu gối bà Thanh. Bán hàng ở chợ, bà thường phải dậy trước hai giờ sáng đi lấy hàng. Những ngày mưa ngập, sợ đêm lội nước gặp sự cố, bà và con dâu cứ sau bữa tối lại đến nhà con trai thứ ở đầu làng ngủ, trưa hôm sau mới về.

Nhà bà Thanh cùng khoảng 100 hộ dân thuộc khu Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ sống sát bờ sông Bùi. Khu vực hữu Bùi được xác định là vùng ngập lụt khi phân lũ sông Hồng vào sông Đáy để bảo vệ nội thành Hà Nội. Do đó Chương Mỹ nhiều năm bị ngập, nặng nhất là các năm 2008, 2017, 2018.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 16/10, Hà Nội và Hòa Bình mưa to. Lượng mưa lớn, kết hợp với lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về làm mực nước sông Bùi dâng cao. Một số tuyến giao thông nông thôn tại các xã của huyện Chương Mỹ như Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Xuân Mai, thuộc huyện này, bị ngập. Hơn 190 nhà dân ngập từ 0,3-1,2m.

Con ngõ chính dọc khu Bùi Xá sâu khoảng 0,5 mét, các hộ dân ở ven sông và vị trí thấp bị nước tràn vào sân, vào nhà.

 
Con ngõ chính dẫn vào khu Bùi Xá ngập sâu do nước sông Bùi tràn vào, hôm 18/10. Ảnh: Phạm Nga

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Con ngõ chính dẫn vào khu Bùi Xá ngập sâu do nước sông Bùi tràn vào, hôm 18/10. Ảnh: Phạm Nga

Nước dâng khiến sinh hoạt của người khu Bùi Xá đảo lộn. Đang ăn trưa, thấy nước vào đến sân, bà Thanh vội gọi chồng và các con kê cao tủ quần áo, lùa hai con chó lớn và đàn chó con từ nhà cấp bốn lên tầng tum ngôi nhà hai tầng. "Mưa gió, phải để nó 'giải quyết' trên đó, bẩn đâu dọn đấy", bà nói.

Chạy xong đàn chó, đến lượt chuồng lợn ngập nước, con lợn nái đang chửa kêu eng éc. Vợ chồng bà Thanh đội nón lùa nó lên khu đất cao hơn, lấy miếng tôn che tạm. Bà tính nước lớn quá mới dẫn lợn lên tầng thượng, còn tạm thời chỉ biết bù đắp cho nó thêm chút thức ăn trong ngày mưa lạnh. Con trai bà vác cái thuyền nhôm trong kho xuống buộc trước cửa nhà. Tầm trưa, nước tràn vào nền căn nhà cấp bốn, ngập qua gót chân bà Thanh.

"Năm nay nước lên chậm chứ năm 2018, tôi ngủ trưa một lúc, mở mắt nước đã ngập quá giường. Hồi đó, bộ đội phải vào dọn giúp đồ, cả nhà chuyển vào nhà con trai thứ ở", bà kể.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch huyện Chương Mỹ, cho biết chính quyền đã chỉ đạo các xã, thị trấn ứng trực 24/24h, phối hợp với đơn vị quân đội trên địa bàn chuẩn bị sẵn phương tiện sơ tán người dân khi nước lên cao hơn.

Nhà chị Nguyễn Thị Tới chìm phải bê tủ quần áo từ nhà dưới lên nhà trên hôm 18/10. Hôm nước ngập sâu nhất lên mép nhà trên nhà chị. Ảnh: Phạm Nga

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhà chị Nguyễn Thị Tới chìm phải bê tủ quần áo từ nhà dưới lên nhà trên hôm 18/10. Hôm nước ngập sâu nhất lên mép nhà trên nhà chị. Ảnh: Phạm Nga.

Cảnh chạy lụt ở nhà chị Nguyễn Thị Tới chẳng khác nhà bà Thanh. Để chắc ăn, vợ chồng người phụ nữ 45 tuổi khênh hai tủ quần áo cùng cái tủ lạnh cũ lên hiên nhà trên. Trưa 18/10, khi nước ở nhà khác đã rút, bếp nhà chị vẫn ngập.

Như hầu hết người dân khu Bùi Xá, dù có vườn tược, nghề chính của chị là bán hàng ở chợ, chồng thợ xây. "Mùa khô còn trồng được vài cây rau, chứ mùa mưa này thì ngập trắng băng", anh Tâm, chồng chị nói, chỉ tay về phía cây đu đủ nước ngập lút gốc. Theo báo cáo mới nhất của huyện Chương Mỹ, gần 300 ha cây trồng vụ Đông trên địa bàn 12 xã, thị trấn huyện bị ngập, úng cục bộ.

Nhưng theo anh Tâm, mưa đợt này quá thường so với năm 2018. Năm đó, anh vừa gặt xong ba sào lúa thì nước đổ vào nhà, đến ngang lưng. Hai vợ chồng vác từng bao thóc đã ngấm nước lên thuyền, đẩy về mấy nhà ở đầu làng phơi tạm.

Đứng giữa con đường ngập nước dẫn vào nhà, bà Hoàng Thị Sim, 63 tuổi, hì hụi cậy xi măng bám vào thùng phi dùng đựng nước mưa. Nhà xây dở, bà chưa lắp đặt được hệ thống nước máy thì nước tràn vào nhà. "Mọi hôm sang hàng xóm xin tạm về dùng, nhưng nay nước ngập nặng, đi lại đâu có dễ", bà nói. Tiết kiệm nước sạch là giải pháp hàng đầu để người dân vùng Bùi Xá thích nghi với mưa lũ.

Bà Sim cho biết, chưa tới mùa nước lên, bà đã chuẩn bị sẵn lọ thuốc ngứa. "Tối nào cũng bôi, nhưng chân vẫn loét", bà nói, chìa bàn chân trắng nhợt vì ngâm lâu trong nước.

Sông trong vùng "cứ đến mùa là ngập", mấy năm nay người dân Bùi Xá chủ động tìm giải pháp cho mình, ví dụ xây nhà cao hơn từ 0,5 đến một mét so với mặt đường. Hầu hết các hộ đều sắm sẵn thuyền để đi lại. Mỗi khi nước dâng, tiếng loa phát thanh của trưởng khu lại vang khắp Bùi Xá, nhắc người dân thu dọn đồ đạc đề phòng mưa lũ, di dời trẻ nhỏ, người già khỏi khu ngập nặng.

Tháng 9/2020, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết, để đảm bảo người dân không phải chịu cảnh ngập úng, phương án tối ưu nhất là di dân ra khỏi vùng thoát lũ. Muốn di dân ra khỏi khu vực này, cần xây dựng được vùng chuyển dân.

Dù vậy, việc di dân không phải đơn giản, ngoài việc bố trí chỗ ở còn liên quan đến phong tục tập quán, nhu cầu sản xuất... Theo tính toán, nếu xây dựng được vùng chuyển dân và thực hiện quy hoạch này thì phải đến năm 2030 tầm nhìn 2050 mới có thể triển khai được.

Trước mắt, để ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực phân lũ, huyện Chương Mỹ đã đề xuất thành phố ưu tiên củng cố và nâng cấp hệ thống đê tả Bùi và hữu Bùi.

Mưa ngập gây khó khăn cho việc di chuyển, người dân chỉ có thể lội bộ, đạp xe đạp hoặc dùng xuồng, thuyền di chuyển, hôm 18/10. Ảnh: Phạm Nga

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mưa ngập gây khó khăn cho việc di chuyển, người dân chỉ có thể lội bộ hoặc dùng xuồng, thuyền di chuyển, hôm 18/10. Ảnh: Hà Huy Đạt

Đợt lụt này, hai đứa cháu bà Thanh và hàng chục trẻ nhỏ trong khu được bố mẹ để lên thuyền đẩy đến nhà người thân ở tạm. Hàng xóm nhà bà có điều kiện thì sơ tán cả gia đình đi nơi khác, chờ hết ngập mới về.

Tránh tình trạng thóc ngấm nước mưa, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tới gặt xong chở thẳng thóc về nhà ngoại cách hơn một km, gửi. Một năm, họ chỉ cấy một vụ lúa, thu hoạch vào tháng 6, ngay trước mùa lụt.

Quen với mưa lũ, đa số người dân chấp nhận cảnh sống chung. Chị Tới chỉ ước khỏe mạnh, có tiền xây nhà cao hơn mùa ngập vẫn yên tâm ở nhà. Bà Thanh cho biết, nhiều người quen thấy bà ngày hai lần lội nước mới ra được chợ thì khuyên bán nhà chuyển sang nơi khác.

"Nhưng đâu thể nói đi là đi, còn nhà cửa, đồ đạc... Sống ở đâu thì phải thích nghi đấy. Dân thành phố người ta còn về đây mua đất làm nhà", bà nói.

                                                                                                                                                                                                     Phạm Nga

https://vnexpress.net/song-o-lang-lut-4373501.html